‘Nếu nghỉ học chắc em sẽ đi bụi đời’
‘Ngày ấy, em là một học sinh trung bình. Vì mải chơi và chán nản chuyện gia đình, em đã buông xuôi. Lúc đó nếu nghỉ học có lẽ em sẽ đi bụi đời, sa vào tệ nạn xã hội…’.
Đó là lời chia sẻ xúc độc của Nguyễn Mai Tuấn Dũng trong buổi tổng kết Dự án Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS trên địa bàn Q.8 sáng nay 18.6, tại Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM.
“Mình học không được thì làm phải giỏi” Dũng là cựu học sinh trường THCS Chánh Hưng. Năm học 2016-2017, Dũng học lớp 9. Do chán nản chuyện gia đình và ham chơi, đã nhiều lần Dũng muốn bỏ học. Biết sức học của Dũng yếu, thầy chủ nhiệm Lê Thanh Nguyên đã khuyên nhủ, động viên Dũng cố gắng tốt nghiệp THCS rồi hãy quyết định nghỉ học hay chọn một con đường để học tiếp.
Sau nhiều lần chia sẻ, tâm sự với thầy, được thầy hướng dẫn, Dũng đã khám phá ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Trong một buổi tối xem tivi về những người thợ giỏi, Dũng chợt suy nghĩ: “Mình học không được thì phải làm giỏi”. Rồi cậu học trò nhớ tới lời thầy chủ nhiệm: “Trên đời này ai cũng học đại học, đậu thạc sĩ, thì đâu còn ai làm thợ”.
Thế là Dũng quyết định đi học nghề với quyết tâm sau này sẽ “làm giỏi”. Lúc đầu, Dũng định học ngành công nghệ thông tin, nhưng thầy chủ nhiệm khuyên Dũng nên học ngành điện tử vì nó phù hợp với sự tỉ mỉ, thích khám phá của Dũng.
Sau 2 năm học tập tại Trường Trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương, Dũng đã được giáo viên lựa chọn đi thi học sinh giỏi nghề cấp thành phố và đạt giải nhất.
Tại Lễ tổng kết Dự án Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS trên địa bàn Q.8 sáng nay, Dũng rưng rưng cho biết: “Nhờ sự hướng nghiệp tận tâm của thầy chủ nhiệm, em đã chọn được hướng đi cho mình. Nếu lúc đó em nghỉ học, có lẽ em sẽ đi bụi đời cùng đám bạn rồi sa vào các tệ nạn xã hội”.
Hơn 10.000 học sinh được hướng nghiệp
Dự án Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS Quận 8 do tổ chức phi chính phủ Saigon Children’s Charity CIO (Saigonchildren) và UBND Q.8 phối hợp thực hiện từ năm 2015. Ông Damien Roberts, Giám đốc của tổ chức này, cho biết: “Qua 2 năm, có hơn 10.000 học sinh lớp 9 của 11 trường THCS trên địa bàn Quận 8 đã được tư vấn, 131 giáo viên được tập huấn và gần 1.000 phụ huynh được tham vấn, nâng cao nhận thức về vai trò hướng nghiệp đối với con em mình”.
Theo số liệu từ dự án, tỷ lệ học sinh phân luồng tại đây tăng rõ rệt, từ 5,15% năm học 2014-2015 tăng lên 17,6% năm học 2015-2016 và 20,8% cho năm học 2016-2017. Ông Lê Thành Nguyên, giáo viên Trường THCS Chánh Hưng, thông tin: “Từng giờ, từng phút chúng tôi trăn trở làm cách nào định hướng cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không có điều kiện theo học lớp 10 công lập có một nghề để tự nuôi sống bản thân. Được sự hỗ trợ của dự án này, chúng tôi đã đưa 3 chuyên đề hướng nghiệp vào các tiết học như tìm hiểu bản thân và những yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn nghề, tìm hiểu nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp… Đến nay thì chúng tôi rất vui vì nhiều em đã chọn được hướng đi phù hợp với bản thân như đăng ký học nghề và quan trọng là yêu thích ngành nghề mình đã chọn…”.
Trong khi đó, đại diện Trường THCS Lý Thánh Tông, cho rằng: “Những năm gần đây nhiều phụ huynh đã phải “tự bơi” trong việc hướng nghiệp cho con em mình. Có trường hợp do phụ huynh thiếu kiến thức hoặc dùng quan điểm chủ quan đã tạo áp lực lên con cái trước ngưỡng cửa vào đời, đề rồi sau đó mang những hệ lụy ảnh hưởng đến thời gian của học sinh, tài chính của phụ huynh và tương lai của chính các em”.
Sau khi được hướng nghiệp, nhiều học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông do điều kiện gia đình, sức học… đã không học tiếp lên bậc THPT, mà đã rẽ sang học tại các trường trung cấp trên địa bàn thành phố.
Nguồn: thanhnien.vn