Hồ Chí Minh – 100 năm trước
(HCM.VN) – Một trăm năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đâu, làm gì là một câu hỏi thú vị khi chúng ta bước vào năm 2023, năm bản lề của Đại hội Đảng XIII, để bước tiếp nửa nhiệm kỳ còn lại, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Viêt Nam. Hai sự kiện đặc biệt trên đất Pháp và Liên Xô cách đây một thế kỷ giúp chúng ta hiểu thêm về lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh thời trẻ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.
“Ăn” Tết Qúy Hợi năm 1923, bí mật rời nước Pháp về nước thực hiện sứ mệnh giải phóng đồng bào, giành tự do độc lập
Cuối năm 1917 Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp. Đến cuối năm 1922 Người hoạt động ở Pháp tròn 5 năm. Đó là quãng thời gian người ta gọi Người với một cụm từ đặc biệt được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau “Nguyễn Ái Quốc – ẩn số từ nước Pháp”. Đúng là một ẩn số. Nguyễn Ái Quốc thoắt ẩn thoắt hiện. Các loại mật thám không thể tìm ra tung tích của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc, kể cả khi biết Nguyễn Ái Quốc vào phòng họp vẫn không thể bắt được Người. Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đã cho thiết lập ở Pari một cơ quan đặc trách để theo dõi những người bản xứ cư trú trên đất Pháp, đặc biệt là theo dõi những người Đông Dương, nhưng cũng bất lực trước hoạt động tài tình, khôn khéo, không biết mệt mỏi của Nguyễn Ái Quốc. Ẩn số bởi nhà yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc và sau đó chỉ với ít năm tuổi Đảng mà đã suy nghĩ và làm được nhiều việc có lợi cho Tổ quốc mình và các dân tộc thuộc địa bị áp bức.
Năm 1923 tại Pari, Nguyễn Áí Quốc có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực như viết báo, viết truyện ngắn, viết truyền đơn cổ động hô hào mọi người mua báo Le Paria, họp chi bộ thuộc Đảng Cộng sản Pháp, tham dự mít tinh, dự họp hằng tháng của Hội Liên hiệp thuộc địa, làm việc với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Aí và một số người Việt Nam yêu nước ở Pari. Tham dự các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phôbua, đăng quảng cáo làm nghề ảnh và tiếp tục làm ảnh, v.v.. Những hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, nghề nghiệp đó càng tỏ rõ một “ẩn số Nguyễn Ái Quốc” mà lắng sâu, xuyên suốt trong đó là “Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập” như lời Người nói với Anbe Xarô khi tên “cáo già thuộc địa” này mời Người đến gặp ông ta để vừa đe dọa vừa dụ dỗ.
Hoạt động trong mạng lưới mật thám dày đặc “không ai, không cái gì có thể lọt qua”, Nguyễn Ái Quốc vẫn không quên mùa Xuân, đón Tết theo phong tục văn hóa Việt Nam. Một ngày trong không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán, sau cuộc họp của Hội Liên hiệp thuộc địa tại trụ sở của báo Le Paria (số 3 đường Mácsê đê Patơriácsơ), Nguyễn Ái Quốc đã bàn với một vài người Việt Nam tổ chức Tết Nguyên đán Quý Hợi. Người giao nhiệm vụ chuẩn bị Tết cho Nguyễn Văn Aí và Trần Tiến Nam, với điều kiện là chi phí mỗi suất không quá 10 phrăng. Trong không khí của mùa Xuân trên đất Pari, ngày 17/2/1923, Nguyễn Ái Quốc cùng kiều bào Pháp đón Tết Nguyên đán Qúy Hợi tại hiệu ăn Luynivécxitê, phố Pie Quiri. Buổi tiệc được tổ chức vừa để mừng Xuân mới, vừa để công bố sự hoạt động trở lại của Hội Aí hữu.
Mùa Xuân dần qua, mùa hạ tới. Quãng thời gian sau hơn hai năm đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc ấp ủ thực hiện ý định từ năm 1911 khi Người rời Tổ quốc để xem nước Pháp và các nước khác họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào ta giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng. Mọi hoạt động diễn ra như thường lệ, sinh hoạt và làm việc nền nếp theo “quy luật hoạt động” mà mật thám Pháp đã quen: buổi sáng đi làm, buổi chiều đến thư viện, tối dự mít tinh, khuya về nhà ngủ. Tối 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc ung dung lên xe buýt đi tham gia một cuộc mít tinh ở ngoại ô Pari. Độ nửa giờ sau, Người lặng lẽ đi về nhà ga xe lửa. Một đồng chí chờ sẵn. Với vé hạng nhất, một vali con, Người vượt biên giới Pháp sang Đức an toàn.
Nguyễn Ái Quốc để lại “Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp”. Trong thư Người đánh giá cao “Hội Liên hiệp thuộc địa” và tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Người viết rằng những người hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa tuy khác giống, khác nước, khác tôn giáo, nhưng thân yêu nhau như anh em. Tất cả cùng chịu chung một nỗi đau khổ và đấu tranh vì một lý tưởng chung là giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta. Người khẳng định Hội Liên hiệp thuộc địa có những kết quả tốt, nhưng còn phải làm nhiều hơn. Đặt câu hỏi phải làm gì, Người cho rằng không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tùy hoàn cảnh mỗi dân tộc. Riêng với Người: “Câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Cuộc trở về nước, đi vào quần chúng của Nguyễn Aí Quốc gặp nhiều gian nan, thử thách, nhưng không có gì cản được khát vọng cháy bỏng Hồ Chí Minh giải phóng dân tộc, làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cho đến mùa Thu Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Ái Quốc trải qua nhiều mùa Xuân, nhưng một trong những mùa Xuân hạnh phúc nhất trong đời Người là mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930, mùa Xuân nở hoa kết trái Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta ra đời vào mùa Xuân để rồi từ đó Đảng mang lại mùa Xuân Dân chủ – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho đồng bào và Tổ quốc.
Hiện thân cho tình hữu ái toàn thế giới và nền văn hóa tương lai
Nhớ lại cuộc bí mật rời Pari, Bác nói: “Lúc đó Bác cố trấn tĩnh, nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp – Đức, trong ngực mới hết phập phồng… Chắc là bọn mật thám phụ trách gác Bác sẽ được quan thượng thư thuộc địa “thưởng” cho một mẻ nên thân! Mà chính quan thượng thư cũng tức mình đến “ung thư phát bối”.
Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến cảng Pêtơrôgrát. Lần đầu tiên Người đặt chân lên mảnh của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết. Đầu tháng 7/1923 Người đến Mátxcơv. Trên đất nước của Lênin, Người có nhiều hoạt động ý nghĩa như dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (10/10/1923) và được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân. Người viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những Nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản về vấn đề thuộc địa.
Ngày 23 tháng 12 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam. Điều đặc biệt ấn tượng và thú vị là chỉ trong một thời gian trò chuyện ngắn, nhà thơ cho chúng ta thấy đó không phải chỉ là cuộc gặp gỡ nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà thực sự là được tiếp chuyện một chiến sĩ cộng sản quốc tế với nhiều điều bổ ích. Nhà thơ kể lại cuộc gặp gỡ đó trong bài báo nhan đề Thăm một chiến sĩ Cộng sản quốc tế – Nguyễn Ái Quốc, đăng trên tạp chí Ogoniok số 39. Nhà thơ thuật lại rằng Nguyễn Ái Quốc nói tiếng Pháp – tiếng của những kẻ áp bức, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí nghe trầm ấm, lắng xuống như hồi âm của tiếng mẹ đẻ, quê hương đồng chí. Nguyễn Ái Quốc cho nhà thơ biết rằng khi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài.
Qua phong thái thanh cao, cử chỉ và giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ hiểu biết được một dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc An Nam giản dị, rất lịch thiệp và độ lượng. Nhà thơ viết qua Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới. Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Vậy là một trăm năm trước, rời nước Pháp trở về nước để thực hiện ý định tổ chức, tập hợp đồng bào đấu tranh giành tự do độc lập, Nguyễn Ái Quốc đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với nhà thơ Ôxíp Manđenxtam – cùng với bè bạn quốc tế – về một dân tộc An Nam giàu lòng bác ái và về bản thân Người một tình hữu ái toàn thế giới, một nền văn hóa tương lai. Sau một thế kỷ, thế giới đã và đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp khó lường trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhưng nhân loại vẫn nghiêng về và khẳng định xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, tiến bộ và phát triển. Đó chính là hệ giá trị văn hóa tỏa ra từ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lòng nhân loại tiến bộ./.
Nguồn: